Tình huống tư vấn tâm lý học đường

Đăng lúc: 09:25:29 17/01/2024 (GMT+7)

Đối tượng: học sinh rụt rè, ngại giao tiếp.

   Biểu hiện: Qua quan sát cũng như tìm hiểu, thấy học sinh nhút nhát và không tích cực tham gia các hoạt động của trường. Học sinh có biểu hiện chán nản và không thích học.
   Sau khi thu thập thông tin từ giáo viên, học sinh và người nhà, xác định học sinh X là trẻ mồ côi, sống với bà ngoại đã ngoài 80 tuổi. Em thiếu thốn tình yêu thương gia đình và không nhận được nhiều sự quan tâm, chăm sóc như những học sinh khác.

Diễn biến buổi tư vấn :

+ Giáo viên: (Mời học sinh vào phòng) X đấy à. Em hãy ngồi đây nhé! (Kỹ năng xây dựng và thiết lập mối quan hệ)

+ Học sinh: Dạ em chào cô ạ.

+ Giáo viên: Gần đây em thế nào, sức khỏe vẫn ổn chứ? (Kỹ năng xây dựng mối quan hệ, kỹ năng đặt câu hỏi)

+ Học sinh: Dạ vâng. Em vẫn bình thường thưa cô.

+ Giáo viên: Gần đây cô thấy X có vẻ hơi sụt cân một chút. Em nhớ giữ gìn sức khỏe, ăn uống đầy đủ nhé. (kỹ năng quan sát, kỹ năng đồng cảm)

+ Học sinh: Dạ vâng ạ.

+ Giáo viên: Lúc trước khi tập múa bài hát chủ điểm, cô có quan sát và nhận thấy em chưa tham gia nhiệt tình lắm. Và em có vẻ dường như không thích làm theo các bạn. Liệu có phải các chuyển động của bài hát làm em không được thoải mái à? (Kỹ năng quan sát)

+ Học sinh: Không phải đâu thưa cô. Em thực sự rất thích những động tác cô đã dạy cho em. Nhưng vì bản thân em đang mệt mỏi và buồn chán nên có biểu hiện như vậy thôi ạ.

+ Giáo viên: Thế tại sao em lại mệt, em có thể nói cho cô biết được không? (Kỹ năng hỏi, Kỹ năng nghe)

+ Học sinh: Em rất buồn kể từ khi mẹ em qua đời. Em cảm thấy như mình không được như các bạn.

+ Giáo viên: Cô hiểu sự mất mát của em và những gì em phải chịu đựng. Cô thương em rất nhiều và đồng cảm với em. Tuy nhiên, mọi người đều có những thử thách trong cuộc sống và phải vượt qua chúng. Tiếp tục đau buồn sẽ không thay đổi được thực tế mà sẽ khiến người thân, ông bà của em càng lo lắng hơn. (kỹ năng đồng cảm)

+ Học sinh: Thưa cô, vậy bây giờ em phải làm sao đây ạ?

+ Giáo viên: Việc đầu tiên em cần làm bây giờ là ổn định tinh thần để có thể học tập tốt. Em cũng có thể tích cực tham gia các hoạt động của lớp hoặc nhóm và vui chơi cùng bạn bè. Và khi về đến nhà, em nên giúp đỡ và làm những việc gì đó để có thể làm vui lòng bà. Nếu em có bất kỳ vấn đề hay khó khăn gì cứ nói cho cô biết. Cô luôn ở bên cạnh em. Bên cạnh em còn có gia đình và bạn bè nữa. (kỹ năng phản hồi, kỹ năng đồng cảm)

+ Học sinh: Dạ.

+ Giáo viên: Cô biết trước đây em luôn là  học sinh giỏi về mọi mặt của trường, lớp. Gần đây có một số chuyện xảy ra khiến em có chút bối rối. Nhưng không sao, cô biết em sẽ vượt qua được và cố gắng  lấy lại những gì mình đã có. Cô tin em có thể làm được và thậm chí có thể làm rất tốt. Hãy cố gắng lên nhé! (kỹ năng đồng cảm)

+ Học sinh: Vâng thưa cô. Em cảm ơn cô vì đã động viên em. Em hứa sẽ cố gắng hết sức trong học tập và sinh hoạt để không phụ lòng cô và gia đình.

+ Giáo viên: Được rồi, cô rất vui vì em có thể hứa với cô điều đó. Bây giờ về nhà ăn uống nghỉ ngơi để ngày mai đi học nhé. (Kỹ năng phản hồi)

+ Học sinh: Dạ vâng. Em chào cô ạ.

Kỹ năng được sử dụng trong tình huống:

 * Kỹ năng xây dựng mối quan hệ: Giáo viên xây dựng mối quan hệ với học sinh bằng cách tạo sự thân mật thông qua ánh mắt, cử chỉ, hành động, câu hỏi. Làm cho học sinh cảm thấy thoải mái và cởi mở trong suốt cuộc trò chuyện.

* Kỹ năng quan sát: Giáo viên quan sát nét mặt, tư thế, ánh mắt của học sinh khi nói. Hãy quan sát cẩn thận khi tham gia các hoạt động nhóm.

* Kỹ năng lắng nghe: Khuyến khích học sinh bày tỏ những khó khăn, nỗi buồn mình gặp phải.

* Kỹ năng đặt câu hỏi: Đặt cho học sinh những câu hỏi mở để giải thích vấn đề và tìm cách giải quyết.

* Kỹ năng phản hồi: Dùng từ ngữ để đưa ra lời khuyên và thay đổi cách nghĩ của học sinh về vấn đề của bản thân.

* Kỹ năng đồng cảm: Đây là kỹ năng quan trọng xuyên suốt quá trình tư vấn. Giáo viên lắng nghe học sinh, im lặng phân tích vấn đề và đưa ra phản hồi cho học sinh. Có thái độ thân thiện và đồng cảm về hoàn cảnh của học sinh.

 2.png