TIẾP LỬA TRUYỀN THỐNG - NHÂN CHỨNG KỂ CHUYỆN LỊCH SỬ

Đăng lúc: 07:31:17 08/03/2024 (GMT+7)

       Sáng ngày 19/2/2024 Trường THPT Nga Sơn tổ chức chương trình giao lưu: Tiếp lửa truyền thống, nhân chứng kể chuyện Lịch sử. Về dự với chương trình giao lưu có sự tham gia của BGH nhà trường, các thầy cô giáo và toàn thể học sinh nhà trường.

      Trong không khí đất trời sang xuân, mọi vật như thay áo mới, cảnh vật mùa xuân luôn tràn đầy sức sống. Những cánh hoa đào, hoa mai đua nhau khoe sắc, chở bao dư vị và màu sắc của mùa xuân. Một buổi sáng mùa xuân ấm áp, trong lành ấy, chúng tôi những người thầy, người cô cùng những học sinh thân yêu được trở về một thời máu lửa, một quá khứ đau thương của dân tộc nhưng cũng đầy niềm kiêu hãnh, tự hào.

      Được gặp gỡ, trò chuyện với nhân chứng lịch sử, chúng tôi như được chứng kiến những khó khăn, gian khổ, những mất mát hy sinh của những người lính trên chiến trường cũng như các anh chị dân quân du kích.

Nhân chứng lịch sử- Anh hùng LLVTND Ngô Thị Tuyển, nữ Anh hùng nặng 42 kg, tải 2 hòm đạn nặng 98 kg.

     Chúng ta được biết về bà qua những trang sách, nay được gặp bà và trực tiếp nghe bà kể chuyện:

“Đầu năm 1965, đế quốc Mỹ thực thi kế hoạch Sấm rền, ném bom ồ ạt xuống miền Bắc, đặc biệt là những tỉnh miền Trung nhằm phá hoại chúng ta về mọi mặt như kinh tế, văn hoá, giáo dục và cắt đứt sự chi viện về sức người và sức của của hậu phương miền Bắc cho chiến trường miền Nam.

Thanh Hóa là một trong những tỉnh chịu nhiều bom Mỹ vì nơi đây là một trong những tuyến giao thông huyết mạch quan trọng để vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm, thuốc men...

     Thế trận chiến đấu khi ấy diễn ra vô cùng ác liệt và căng thẳng. Khu vực Hàm Rồng Nam Ngạn, từng tốp dân quân tỏa đi tiếp đạn, tải thương. Nhiều anh chị em chèo thuyền đưa đạn cho pháo thủ dự bị đến từng trận địa. Vào thời điểm ấy, tôi mới chỉ 19 tuổi tham gia tình nguyện tiếp tế đạn dược cho bộ đội”.

 Ngày 4/4/1965, vừa làm xong nhiệm vụ truy lùng bọn giặc lái Mỹ nhảy dù, Ngô Thị Tuyển gặp một chiếc tàu hải quân yêu cầu dân quân giúp vận chuyển vỏ đạn lên bờ và tiếp tế đạn xuống tàu.

"Có 2 hòm đạn dính chặt với nhau" - Anh hùng Ngô Thị Tuyển nhớ lại - "Vì là đạn trong kho, đạn mới nó dính chặt với nhau thì không bẩy ra được. Lúc đó tôi nói với các anh, các bác ấy là: "Thôi các anh, các bác cứ nâng lên vai cho em để em vác".

Câu chuyện về nữ dân quân chỉ nặng 42 kg vác 2 hòm đạn nặng 98kg tiếp tế cho bộ đội đã gây tiếng vang lớn. Anh hùng Ngô Thị Tuyển nói rằng tình yêu quê hương đất nước đã mang đến sức mạnh: "Khi một kẻ thù nào đến đất nước Việt Nam thì thế hệ nào cũng cầm chặt tay súng bảo vệ quê hương, bảo vệ mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc".

      Những ngày tháng chiến đấu bên cây cầu Hàm Rồng cho đến ngày nay vẫn in đậm trong trí nhớ của anh hùng Ngô Thị Tuyển. Đó là niềm vui, hạnh phúc khi bảo vệ được cây cầu huyền thoại, giữ gìn sự bình yên quê hương nhưng cũng là niềm đau, nỗi buồn khi tận mắt chứng kiến đồng đội hy sinh.

Với thành tích chiến đấu xuất sắc, anh hùng Ngô Thị Tuyển đã 2 lần được nhận Huân chương hạng Ba, được Bác Hồ tặng huy hiệu của người và 6 lần nhận bằng khen, giấy khen...

       Ngày 1/1/1967, khi chỉ mới 21 tuổi, Ngô Thị Tuyển đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.

    Kết thúc cuộc trò chuyện, anh hùng Ngô Thị Tuyển nói: "Chúng tôi rất tin thế hệ trẻ bây giờ... Tôi tin thế hệ trẻ bây giờ dám nghĩ dám làm, làm được nhiều điều tốt và từ đó các cháu sẽ tu dưỡng đạo đức để bảo vệ cho dân, cho Đảng và gìn giữ đất nước"

Như vậy, trong tâm trí học sinh như hiện lên sự khó khăn, gian khổ, hào hùng mà đau thương của dân tộc trong kháng chiến chống ngoại xâm. Sau mỗi câu chuyện, tất cả đọng lại là sự tự hào, niềm xúc động, lòng căm thù giặc và không ít sự xót xa trước những mất mát mà cha ông và cả nhiều thế hệ sau này phải đánh đổi để có được chiến thắng, có được hòa bình. Những câu chuyện lịch sử thu hút các em học sinh, mang đến cho các em kiến thức bổ ích và hơn thế là khơi gợi được trong các em một sự quyết tâm để sống xứng đáng với những gì cha ông đã cố gắng gìn giữ và xây dựng.

       Buổi giao lưu, gặp gỡ với  nhân chứng lịch sử là một trong những hoạt động thiết thực góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, từ đó khơi dậy trong họ niềm tự hào, tự tôn dân tộc, để những chiến công của quân và dân ta trong các cuộc kháng chiến luôn là những bản anh hùng ca bất hủ, mãi mãi khắc sâu trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam .

 1.png

 CB, giáo viên nhà trường cùng CLB Anh hùng và Nhân chứng kể chuyện LS

2.png

 

Các em học sinh nhà trường và Anh hùng Ngô Thị Tuyển

3.png

            Cô giáo Hoàng Thị Nga- GV Lịch sử và Anh hùng Ngô Thị Tuyển